Nói đến tơ lụa Việt Nam xưa, thì Vạn Phúc, Hội An, Mã Châu… là những cái tên hiện ra đầu tiên trong tâm trí người Việt Nam. Nhưng nói đến tơ lụa Việt Nam nay, người yêu lụa Việt và bạn bè quốc tế đều nghĩ ngay đến Lụa tơ tằm Bảo Lộc – Thủ phủ của Tơ lụa Việt Nam.

Bởi lẽ, cùng với sự phát triển của xã hội, ở những làng nghề có đến cả nghìn cả trăm năm nay như Vạn Phúc, Hội An, Mã Châu… đất trồng dâu đã thành phố thị. Lứa trẻ cũng xoay sang các nghề hiện đại và bớt vất vả, bận rộn hơn nghề lụa tơ tằm. Và dù chốn xưa vẫn còn những hộ gia đình làm nghề gắng giữ gìn truyền thống, nhưng quy mô nhỏ lẻ với sản lượng còn rất thấp.
Trong khi Lụa tơ tằm Bảo Lộc, dù tuổi nghề mới chỉ tính bằng vài thế kỷ, nhưng đã có sự chuyển mình, phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm cung cấp tằm giống, tơ lụa cho cả nước, chiếm tới 80% tổng sản lượng xuất khẩu tơ lụa toàn quốc.
Bảo Lộc – Thủ phủ của tơ lụa Việt Nam

Không phải ngẫu nhiên, mà Bảo Lộc được coi là “Thủ phủ của tơ lụa Việt Nam”. Ngành tơ lụa Bảo Lộc đã phải bước qua biết bao khó khăn, thách thức để tồn tại và vươn mình như ngày hôm nay.
Ghi chép của Hiệp hội Dâu tằm Việt Nam cho biết, từ năm 1955, chiến tranh khốc liệt đã khiến nghề trồng dâu nuôi tằm và sản xuất tơ lụa ở miền Bắc bị đình đốn, còn ở miền Nam thì gần như bị xóa sổ.
Năm 1965, theo chính sách bồi thường chiến tranh (Colombo plan), Nhật Bản đã cử chuyên gia sang miền Nam Việt Nam khảo sát điều kiện đất đai, môi trường, và thử nghiệm trồng dâu, nuôi tằm. Các đánh giá khoa học trong suốt 3 năm đã cho thấy: Cao nguyên Bảo Lộc với độ cao trung bình trên 800m, khí hậu mát mẻ, mưa nhiều, nắng ít, lắm sương mù, độ ẩm cao hội tụ đủ điều kiện để phát triển thành “Thủ phủ của tơ lụa Việt Nam”. Do đó, người Nhật đã xây dựng Trung tâm tằm tang Bảo Lộc vào năm 1968.
Năm 1975, Chính phủ đã tiếp quản Trung tâm tằm tang Bảo Lộc và thiết lập Trại giống tằm cung cấp giống tằm cho cả nước, tiến hành nhiều thực nghiệm về cơ cấu giống tằm, mùa vụ trồng dâu nuôi tằm, áp dụng công nghệ máy móc vào sản xuất. Từ năm 1995 Bảo Lộc đã được Chính phủ quy hoạch phát triển là thủ đô của tơ lụa Việt Nam
Từ đó đến nay, con đường phát triển của Lụa tơ tằm Bảo Lộc cũng đã trải qua mấy bận lên thác xuống ghềnh. Nhưng mối tơ vương nào đâu dễ đứt, với sự kiên trì và nỗ lực không ngừng nối chặt dây tơ, thành phố Bảo Lộc đã và đang từng bước khôi phục và gánh vác trách nhiệm lịch sử đã giao phó, là “thủ phủ tơ lụa” – nơi ươm tơ mở lối cho tơ lụa Việt Nam.

Thành phố Bảo Lộc hiện đang có 30 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực tơ lụa, với sản lượng ổn định, khoảng 1.000 tấn tơ/năm, hơn 3,5 triệu m2 lụa/năm. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, mà đã vươn ra các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Trung Đông, Lafo, Campuchia, Myanma…
Bảo Lộc đã và đang khẳng định được thương hiệu “Thủ phủ tơ lụa của Việt Nam”. Trong những năm tới đây, Lụa tơ tằm Bảo Lộc sẽ tiếp tục xây dựng vị thế “Lụa của người Việt” trên trường quốc tế.