Trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa là một nghề xuất hiện lâu đời trong lịch sử Việt Nam. Đất nước trải qua biết bao cuộc bể dâu, nghề tơ lụa cũng bước qua bấy nhiêu thăng trầm. Có lúc vinh hoa, có lúc đoạn trường, nghề xưa vẫn được gìn giữ, lưu truyền và tiếp tục phát triển.
Các tài liệu lịch sử đã ghi lại rằng nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa có từ thời Hùng Vương thứ 6, do Mỵ Nương Thiều Hoa khởi xướng. Từ đó, lụa tơ tằm được truyền bá rộng rãi khắp các vùng, từ đồng bằng đến cao nguyên, trở thành nét tinh hoa văn hóa dân tộc đáng tự hào của người Việt.

Lịch sử ngàn năm Tơ lụa Việt Nam
Từ thời phong kiến, lụa tơ tằm đã được coi là sản phẩm thủ công cực kỳ quý giá, là một biểu tượng của đẳng cấp, quyền quý và vương giả, chủ yếu dùng cho vua quan, quý tộc hoặc cự phú. Tơ lụa Việt Nam được dùng làm cống phẩm bang giao, được các thương lái ngoại quốc tìm kiếm, thu mua để buôn bán cho giới quyền quý và giàu có.

Cuốn Hán Thư – thư tịch cổ Trung Quốc ghi rõ: Người Lạc Việt biết trồng dâu nuôi tằm, “một năm có hai vụ lúa, tám lứa tằm”.
Những lời nhà bác học Lê Quý Đôn soạn trong “Phủ biên tạp lục” khẳng định tơ lụa Việt cổ không thua gì tơ lụa Trung Hoa: “Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc, đoạn, lĩnh, là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông…”.
Năm 1631, Cristoforo Borri – nhà toán học, thiên văn học và là nhà truyền giáo người Italia – cũng đã viết trong cuốn khảo cứu của ông như sau: “Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ và mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc”.
Khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng nhiều nhà máy ươm tơ ở nước ta, để khai thác tiềm năng vùng đất trồng dâu nuôi tằm và kỹ năng lao động lành nghề của người bản địa.
Những dữ liệu đó đã cho thấy bề dày lịch sử của nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của người Việt, cũng như chất lượng cao và sự lan tỏa của mặt hàng tơ lụa Việt Nam đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo ghi chép của Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, từ năm 1955, khi chiến tranh ngày càng ác liệt, trồng dâu nuôi tằm và sản xuất tơ bị xóa sổ ở nhiều khu vực. Chiến tranh đã tàn phá nương dâu, lò ươm sụp đổ, thiên tai làm hư hại đất trồng dâu tằm, nghề dâu tằm cũng từ đó mà suy vi.

Nhưng bản sắc dân tộc là mạch nguồn không bao giờ ngừng chảy, nghiệp ông cha khó có thể thất truyền. Các nghệ nhân trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa qua bao phen lao đao vẫn gìn giữ và truyền thụ mối tơ vương với nghề cho các thế hệ kế tiếp. Nghề tơ lụa Việt Nam cũng như sợi tơ tằm mảnh mà bền chắc, từ suy vi, âm ỉ đến hồi sinh và đang dần chuyển mình. Rào rào tằm ăn rỗi, lách cách thoi đưa, xen tiếng nói cười rộn rã của những người thợ làm nghề râm ran trong các mái làng nghề truyền thống dọc từ Bắc tới Nam: Vạn Phúc (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Cổ Chất (Nam Định), Mã Châu (Quảng Nam), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Tân Châu (An Giang)…
Trong đó, lụa Bảo Lộc, dù sinh sau đẻ muộn so với các làng nghề truyền thống có lịch sử vài trăm đến cả nghìn năm, nhưng có tốc độ phát triển mạnh mẽ, hiện đang chiếm tới 70% giá trị sản lượng tơ tằm của cả nước. Được ví là “thủ phủ tơ tằm của Việt Nam”, lụa Bảo Lộc đang từng bước đưa thương hiệu lụa Việt ghi danh trên trường quốc tế.

“Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan… Việt Nam là quốc gia có truyền thống dệt lụa lâu đời, vùng nguyên liệu mênh mông, lượng tơ tằm chất lượng cao hiếm có…” – Những lời nhận xét của ông Fei Jianming, Tổng thư kí Hiệp hội Tơ lụa Thế giới không chỉ khẳng định bề dày lịch sử, phẩm chất đặc biệt của lụa tơ tằm Việt Nam, mà cũng chính là động lực để chúng ta – những thế hệ sóng sau xô sóng trước, tiếp tục “rút ruột nhả tơ” khắc tên lụa tơ tằm bản sắc Việt lên bản đồ lụa tơ tằm thế giới.