Điều kiện tự nhiên thuận lợi khởi đầu cho thiết định: Bảo Lộc là thủ phủ tơ lụa của Việt Nam. Nhưng chính năng lực sản xuất và chất lượng tơ lụa mới là hai trụ cột để Lụa tơ tằm Bảo Lộc giữ vững vị thế trung tâm tơ lụa của cả nước.
Lụa tơ tằm Bảo Lộc – Đẳng cấp xứng danh Thủ phủ tơ lụa Việt Nam
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện đứng trong top 5 thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Uzbekistan, Thái Lan về sản xuất tơ tằm. Trong khi các nước có truyền thống sản xuất tơ lụa như Trung Quốc, Nhật Bản liên tục sụt giảm về sản lượng do quá trình công nghiệp hóa thì tại Việt Nam, diện tích và sản lượng tơ tằm hằng năm tăng khoảng 8,8%, tập trung chủ yếu ở vùng núi và cao nguyên. Trong đó, diện tích trồng dâu của thành phố Bảo Lộc chiếm 10% diện tích dâu tằm toàn quốc, với sản lượng ổn định, trung bình đạt khoảng 5.000 tấn/năm. Nếu như Trung Quốc chỉ nuôi được tối đa 6 vụ tằm, thì Bảo Lộc mỗi năm có thể nuôi gối đầu được 18 lứa. Thành phố Bảo Lộc mỗi năm sản xuất được khoảng 1.000 tấn tơ tằm, 3,5 triệu m2 lụa. Khoảng năm 2012, các công ty dệt may còn sử dụng 100% tơ lụa nhập từ Trung Quốc, thì đến năm 2018 đã sử dụng trên 70% tơ lụa Lâm Đồng (Bảo Lộc). Theo ghi nhận đến cuối năm 2019, Bảo Lộc đã chiếm 80% tổng sản lượng xuất khẩu tơ lụa toàn quốc, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm khoảng 16 – 18 triệu USD. Những con số ấn tượng nói lên phần nào có thể khẳng định đẳng cấp dẫn đầu của tơ lụa Bảo Lộc về năng lực sản xuất. Nhưng để có được sự công nhận của thị trường cả trong và ngoài nước, thì chất lượng mới là yếu tố hàng đầu.
Trong khi nhiều vùng tơ lụa sản xuất lụa pha sợi tổng hợp, thì Bảo Lộc chỉ chuyên sản xuất tơ và lụa tơ tằm nguyên chất. Sợi tơ tằm Bảo Lộc phần lớn là sợi mành nhỏ, cho nên khi dệt sẽ cho ra mặt lụa đều, mềm mại, bóng, xốp… Sự kết hợp giữa tơ nguyên liệu tự nhiên của địa phương với ứng dụng công nghệ se tơ và dệt hiện đại của Nhật Bản, cùng kĩ thuật nhuộm tự nhiên không hóa chất với đôi bàn tay khéo léo và giàu kinh nghiệm của những người thợ cần mẫn – đã tạo nên phẩm chất thượng hạng như khăn lụa tơ tằm, cà vạt lụa tơ tằm, khẩu trang vải lụa của lụa Bảo Lộc: ít nhăn nhàu, óng mượt, mềm mại, màu sắc đa dạng, quyến rũ, ấm áp khi đông sang và mát mẻ lúc hè về. Từ tơ tằm, các nhà dệt ở Bảo Lộc đã sản xuất ra lụa Satin dùng may Kimono – trang phục truyền thống Nhật Bản; lụa Yozu dùng may khăn đội đầu ở các nước khối Ả Rập, Ấn Độ; vải lụa Habutai, CDC chuyên may âu phục cao cấp; và vật liệu ứng dụng trong công nghệ cao, xây dựng cơ bản, trang trí nội thất… Với phẩm chất tơ lụa sạch, thuần tự nhiên, cao cấp, tơ lụa Bảo Lộc đã vượt qua được tiêu chuẩn chất lượng của nhiều quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc, Ả Rập, Malaysia, Indonesia…), kể cả những thị trường khó tính như Pháp, Italy, Nhật Bản… và còn là mặt hàng nhập khẩu của các cường quốc tơ lụa như Ấn Độ, Thái Lan… Còn ở trong nước, Lụa tơ tằm Bảo Lộc xuất hiện ở những cửa hàng thủ công mỹ nghệ trên các con phố lớn (tại Hà Nội, tp.Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng…), được ưa chuộng bởi cả người Việt yêu thích sự tinh xảo, cũng như khách nước ngoài trân trọng tinh hoa văn hóa truyền thống bản địa.
Mang trong mình cả bản sắc dân tộc và tính ứng dụng cao, Lụa tơ tằm Bảo Lộc thường là nguồn cảm hứng cho các bộ sưu tập thời trang trong nước. Nhà thiết kế – Hoa hậu Ngọc Hân từng thổ lộ, từ độ tuổi 16 sải bước trên sàn diễn, cô đã được mặc những trang phục chất liệu từ vải lụa tơ tằm Bảo Lộc của các nhà thiết kế hàng đầu Việt Nam: “Lúc đó, là người mẫu, là người tiêu dùng, Hân cảm thấy vô cùng thích thú. Sau này, trở thành nhà thiết kế, mình vẫn vô cùng ưa chuộng tơ lụa Bảo Lộc để sử dụng cho những bộ sưu tập của mình”. Nhà thiết kế Văn Khoa, một người con của Lâm Đồng chia sẻ rằng: “Lụa là chất liệu quý, những sản phẩm làm từ lụa luôn chiếm một tình yêu rất lớn của chính các NTK và người mặc. Chất liệu lụa luôn chiếm được cảm tình của phân khúc khách hàng cao cấp. Và mình thực sự cũng đã dành tình yêu đặc biệt với lụa Bảo Lộc bởi tính thẩm mỹ và chất lượng”. Cho đến cây đa cây đề trong làng thời trang Việt, được công nhận và ưu ái bởi cả giới thời trang quốc tế – Nhà thiết kế Minh Hạnh, cũng trân trọng ví lụa Bảo Lộc giống như một cô gái đẹp giam mình trong ngôi nhà cổ, nay đã bước ra thế giới bên ngoài với vẻ đẹp dịu dàng nhưng cũng đầy tự tin và bản lĩnh. Hoạt động trong giới thời trang, chứng kiến những thương hiệu nổi tiếng thế giới sử dụng lụa tơ tằm Bảo Lộc, trong khi lụa tơ tằm Bảo Lộc – lụa Việt Nam vẫn chưa có vị trí xứng đáng, có thương hiệu trên trường quốc tế, Nhà thiết kế Minh Hạnh đã có những đóng góp quan trọng trong công tác quảng bá sản phẩm lụa tơ tằm Bảo Lộc đến với người tiêu dùng và bạn bè năm châu qua các bộ trang phục dành riêng cho các nguyên thủ, hay các bộ sưu tập được trình diễn trong và ngoài nước.
Cho đến thời điểm này, Lụa tơ tằm Bảo Lộc đã từng bước chứng minh được đẳng cấp của “Thủ phủ tơ lụa Việt Nam”. Nhưng con đường thực hiện trách nhiệm vinh danh lụa Bảo Lộc – lụa Việt Nam trên trường quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách. Những cá nhân, tập thể, cơ quan đã trót vương tơ với lụa Bảo Lộc, vẫn đang không ngừng “rút ruột nhả tơ”, để thủ phủ tơ lụa sẽ tỏa sáng niềm tự hào lụa Việt trong tương lai không xa.