Lụa tơ tằm Việt Nam – Hội tụ tinh hoa văn hóa Việt

Lụa tơ tằm Việt Nam tựa như một dòng chảy, xuyên qua bao biến động lịch sử, chất chứa trong mình hồn đất, tình người, văn hóa Việt.

Lụa tơ tằm Việt Nam, là thứ lụa tự nhiên không pha tạp, thấm đẫm phong vị của đất, nước, khí trời, thổ nhưỡng Việt Nam trên từng nương dâu xanh ngát, từng nong tằm ăn rỗi rào rào sớm khuya.

“Một nong tằm bằng ba nong kén, một nong kén bằng chín nén tơ”, bao nhiêu nén tơ dệt lên một tấm lụa?

trồng dâu nuôi tằm

 

Bao nhiêu ấy, chẳng thể đếm đong, bởi chăm tằm như “chăm con mọn”, người nuôi tằm ươm tơ đã đặt để vào mỗi kén tằm, mỗi nén tơ biết bao vất vả nhọc nhằn, biết bao kiên nhẫn công phu, biết bao chuyên tâm chú ý. Lá dâu cho tằm ăn phải khô ráo, sạch sẽ, không được dập úng, phải chọn lá non thái nhỏ như sợi thuốc lào khi tằm còn nhỏ, phải chuyên tiếp lá bánh tẻ liên tục khi tằm ăn rỗi. Tằm ưa sạch sẽ, nong trệt phải dọn vệ sinh thường xuyên, mà cái giống ấy ăn nhiều cũng thải ra nhiều. Tằm lại có thiên địch là lũ ruồi nhặng, nên lúc tằm lột xác phải giăng mùng kín cửa. Nóng quá, lạnh quá hay có mùi ô uế đều có thể khiến tằm trở mình bỏ ăn.

Tằm đến tuổi thì cần chuẩn bị sẵn né sạch, nhẹ nhàng nhặt tằm từ nong qua, để tằm làm kén. Có kén tằm, xong là đến công đoạn ươm tơ, cho kén vào nồi nước nóng, đều tay tìm mối gốc, chập tơ, cuốn tơ rồi đến truội tơ, dệt lụa, nhuộm màu. Từ ông bà, bố mẹ đến con cái trong gia đình, mỗi người một tay một chân cùng tham gia làm nghề. Xóm làng rộn rã tiếng quay tơ, đảo kén, lách cách dệt lụa…

quay tơ 4

Ấy vậy nên, một tấm lụa tơ tằm hun đúc trong mình các đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, kiên nhẫn, chuyên tâm tỉ mỉ của người Việt, thấm đẫm văn hóa gia đình Việt, văn hóa làng xã Việt. Và việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa cũng đã đi vào trong đời sống của người Việt qua những câu ca dao:

“Đôi ta như thể con tằm

Cùng ăn một lá, cùng nằm một nong”

“Sáng trăng trải chiếu hai hàng

Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ”

“Ai ơi! nhớ lấy lời này

Tằm nuôi ba lứa, ruộng cày ba năm

Nhờ Trời hòa cốc phong đăng

Cấy lúa lúa tốt, nuôi tằm tằm tươi

Được thua dù cả tại Trời

Đừng thấy sóng cả mà rời tay co”

Không chỉ gắn bó với với kế sinh nhai, với tâm tình của người Việt, lụa tơ tằm còn là một biểu tượng của lòng tự tôn dân tộc. Các vua thời Lý Trần coi trọng việc phát triển nghề tằm tang, để phát triển kinh tế, cũng để khẳng định với triều đình phương Bắc rằng: Nước Nam ta đủ năng lực tự sản xuất ra lụa tơ tằm của riêng mình – với phẩm chất và độ tinh xảo không thua gì hoàng triều phương Bắc, không phải lệ thuộc hay tuân phục họ mới có tơ tằm, có lụa để dùng.

Lụa tơ tằm Việt Nam – Hội tụ tinh hoa văn hóa Việt

lụa tơ tằm là vải thượng hạng

Tơ tằm Việt Nam sống cùng lịch sử đất nước, trải qua biết bao chìm nổi thăng trầm, có lúc tấp nập vinh hoa trên con đường tơ lụa, có lúc mối tơ đứt đoạn trong chiến tranh. Nhưng cũng như con người Việt kiên cường, đường tơ dẫu mảnh vẫn chắc bền tới hôm nay.
Hòa cùng với sự phát triển của đất nước, bắt kịp thời đại công nghệ toàn cầu, tơ tằm Việt Nam cũng bước sang trang mới. Khi máy móc được áp dụng vào sản xuất, việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa đã đỡ vất vả hơn xưa. Với sự giữa kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật hiện đại, tơ tằm Việt, lụa Việt cũng chuyển mình cả về sản lượng và chất lượng, ứng dụng đa dạng hơn, không chỉ phục vụ cho ngành may mặc thời trang, mà đi vào cả lĩnh vực nội thất, công nghệ cao…
Việt Nam đã có vị thế được công nhận trong cộng đồng quốc tế. Tơ tằm Việt, lụa Việt cùng với sự hồi sinh của “Thủ phủ tơ lụa” Bảo Lộc cũng đang vươn mình ra thị trường thế giới, ôm trọn tinh hoa nghìn năm văn hóa Việt lan tỏa khắp muôn nơi.
Đánh Giá