Lụa Tơ tằm Việt Nam – Những Làng nghề dệt lụa nổi tiếng

Lụa tơ tằm Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử với những dấu ấn vàng son, tự hào là một trong những đất nước với nghề dệt lụa nghìn năm lịch sử. Và trong hành trình đưa Lụa Việt vươn tầm ra khu vực và thế giới là sự góp sức của các Làng nghề dệt lụa nổi tiếng trải dài khắp lãnh thổ Việt Nam. Một số Làng lụa nổi tiếng phải kể đến như: Làng Lụa Vạn Phúc(Hà Đông), Làng Lụa Nha Xá(Hà Nam), Làng lụa Cổ Chất(Nam Định), Làng Lụa Mã Châu(Quảng Nam)…

Làng Lụa Vạn Phúc – Nét đẹp văn hóa truyền thống nghìn năm

Làng lụa Vạn Phúc Hà Đông là 1 trong những làng nghề dệt lụa nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Đây là làng nghề dệt lụa truyền thống đã được công nhận là kỷ lục “Làng nghề dệt lụa tơ tằm lâu đời nhất vẫn còn duy trì hoạt động đến ngày nay” do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đã trao tặng. Đây cũng là một điểm đến du lịch nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước.

làng lụa vạn phúc

Làng dệt lụa Vạn Phúc thuộc phường Vạn Phúc – Hà Đông – Hà Nội với lịch sử hơn 1000 năm, trước đây còn có tên gọi khác là Vạn Bảo, do kị húy nhà Nguyễn nên làng đã được đổi tên thành Vạn Phúc. Năm 1931, lần đầu tiên lụa Vạn Phúc Hà Đông đã được quảng bá ra thị trường quốc tế tại hội chợ Marseille và đã được người Pháp đánh giá là 1 trong những dòng lụa tinh xảo, đẹp nhất của vùng Đông Dương. Đến năm 1958, tơ lụa Vạn Phúc đã được xuất sang những nước Đông Âu và cho đến nay lụa Hà Đông được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới.

Qua dòng thời gian, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Tơ lụa Vạn Phúc luôn được đánh giá là đẹp bền, hoa văn trên lụa đa dạng, trang trí cân xứng, đường nét thanh thoát, giản đơn mang đến sự dứt khoát, phóng khoáng cho người xem.

Làng lụa Nha Xá (Hà Nam)

Làng Lụa Nha Xá nằm trên bờ sông Hồng đỏ đậm phù sa cuồn cuộn chảy mang theo sức sống bồi đắp châu thổ. Vùng đất xinh đẹp này cũng là nơi có nghề dệt lụa nổi tiếng từ rất lâu trước đây. Lụa ở đây mềm mịn, đẹp và bền chắc được xếp thứ hai chỉ sau lụa Vạn Phúc (Lụa Hà Đông).

làng lụa nha xá

Không rõ người dân Nha Xá biết đến nghề dệt lụa cụ thể là thời điểm nào chỉ biết nghề trồng dâu, dệt lụa bắt đầu từ khi Đại tướng quân Trần Khánh Dư đến làng Nha Xá. Từ đó, có thể xem thời gian hình thành làng lụa là vào cuối thế kỷ 13 và đầu thế kỷ 14. Nghề dệt lụa của người và làng Nha Xá cũng từ đó mà hình thành, được gìn giữ và truyền lại cho con cháu đời sau.

Nguồn nguyên liệu dệt hiện nay được lấy từ Nhà máy tơ Lâm Đồng – nơi có nguồn hàng ổn định, chất lượng bảo đảm. Mỗi tháng, làng nghề cho ra khoảng 20.000 mét lụa, trong đó có 10.000 mét là lụa hoa, 10.000 mét là lụa trơn và các sản phẩm khác. Hiện tại, người tiêu dùng biết đến Nha Xá qua sản phẩm lụa hoa là nhiều nhất. Không những có chỗ đứng trên thị trường trong nước mà còn là sản phẩm được người dùng Nhật Bản, Hàn Quốc và Pháp rất ưa chuộng.

Làng lụa Cổ Chất – Nam Định

Làng Cổ Chất nằm cách thành phố Nam Định khoảng 20 km theo hướng quốc lộ 21. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời ở Nam Định. Suốt chiều dài lịch sử vài trăm năm sinh tồn với nghề dâu tằm, Cổ Chất trở thành một làng nghề nổi tiếng khắp vùng miền gần xa.

Theo các bậc cao niên trong làng Cổ Chất, nghề tơ tằm ở đây đã có từ lâu đời. Thời thuộc Pháp, tơ Cổ Chất nổi tiếng đến độ vào khoảng đầu thế kỉ XX, giới tư bản Pháp đã cho đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở ngay đầu làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh. Từ đây, nghề làm tơ ở Cổ Chất bắt đầu phát triển mạnh.

làng lụa cổ chất

Một chiều thu đến với ngôi làng Cổ Chất, ấn tượng đầu tiên là đâu đâu cũng thấy những bó tơ vàng, tơ trắng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Mỗi gia đình ở đất này có thể ví như một lò ươm tơ. Trong những xưởng kéo tơ, các bà các chị miệt mài làm việc trong màn khói bốc nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Người Cổ Chất có phong thái tao nhã hiền hòa, sớm hôm cần mẫn bên nong dâu, bên nong tằm né kén.

Ở làng ươm cả tơ trắng và vàng, kén tằm được thu mua từ các vùng lân cận và xa hơn là Thanh Hóa, Thái Bình… Kén tằm trưởng thành trong thời gian khoảng 25 ngày được đem đi kéo sợi. Tơ thành phẩm được các thương lái về tận làng mua xuất đi các vùng dệt lụa như Vạn Phúc (Hà Nội) và sang các nước như Lào, Campuchia và Thái Lan.

Trải qua bao phen thăng trầm của thời cuộc, tơ Cổ Chất vẫn được xem là sản vật quý của Nam Định và nghề làm tơ vẫn tồn tại, phát triển, góp phần đem lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Việc bảo tồn và phát triển được nghề tơ ở Cổ Chất không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trong làng mà còn là tín hiệu đáng mừng cho thấy một nghề truyền thống quý báu của địa phương đã không bị mai một.

Dạo quanh ngôi làng thơ mộng bên dòng sông Ninh hiền hòa, vỏng vọng trong tiếng gió là những âm thanh lạch cạnh phát ra từ những xưởng kéo tơ thủ công, tiếng máy dệt trong những ngôi nhà nhỏ. Hình ảnh cả ngôi làng gần như được nhuộm bởi một màu váng óng của những mẻ tơ đang “tắm” nắng cho khô mình khiến làng Cổ Chất thật nên thơ, yên ả…

Làng lụa Mã Châu

Làng lụa Mã Châu, là một làng nghề dệt lụa, trồng dâu nuôi tằm có niên đại khoảng hơn 600 ở Duy Xuyên, Quảng Nam. Lụa tơ tằm Mã Châu rất đẹp, tinh tế ở sự phối màu và hoa văn độc đáo.

Duy Xuyên, Quảng Nam nằm dọc trên các Sông Thu Bồn, Vu Gia, Bà Rén. Một lượng lớn phù sa màu mở do ba con sông bồi đắp, tạo điều kiện cho nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển tốt và thuận lợi. Lụa Mã Châu được dệt từ những chiếc kén ươm từ lá dâu tằm được trồng ở đây, cộng với sự khéo léo, chăm chút và tỉ mỉ của người thợ nên rất đẹp và bền.

làng lụa mã châu

Sau này do sự bành trướng của lụa tổng hợp đã làm cho Lụa truyền thống Mã Châu trở nên mờ nhạt dần đi, do giá cả không thể cạnh tranh nỗi. Việc làm ra một sản phẩm lụa dệt truyền thống đòi hỏi trải qua một quy trình vất vả mà trái lại giá thành không bù nỗi chi phí và nhân công.

Nhưng không vì thế mà Lụa Mã Châu lại bị lãng quên, chính sự yêu nghề, không cam tâm để nghề dệt lụa bao đời gầy dựng chết dần, chết mòn. Sự nhiệt huyết cộng với lòng đam mê cháy bỏng nghề dệt lụa, trồng dâu, nuôi tằm đã thôi thúc người Duy Xuyên phục dựng lại làng nghề lụa Mã Châu, được hồi sinh một cách thần kì, mang tiếng tăm sản phẩm vươn xa ra thế giới

Lụa tơ tằm Bảo Lộc – Thủ phủ của Tơ lụa Việt Nam

Nhắc đến lụa tơ tằm người ta biết nhiều đến lụa Vạn Phúc, lụa Nha Xá, lụa Mã Châu,… Nhưng thủ phủ lụa tơ tằm Việt Nam thì chỉ có một – Bảo Lộc. Lụa Bảo Lộc mang trên mình trách nhiệm lịch sử vô cùng quan trọng là điểm chắp cánh cho lụa tơ tằm Việt đi khắp thế giới. Không chỉ là nơi sản xuất tơ sợi lớn nhất Việt Nam, sợi tơ Bảo Lộc được thế giới đánh giá là có chất lượng thượng hạng chiếm 75% năng lực ươm tơ và 70% năng lực se tơ dệt lụa cả nước.

lụa bảo lộc

Nhìn tơ lụa Bảo Lộc tỏa sáng rực rỡ như ngày hôm nay ít có ai biết được cái nghề “ăn cơm đứng” này đã có một thời gian dài rơi vào lao đao, lận đận dẫn đến thua lỗ, giải thể xí nghiệp, công nhân mất việc, nghệ nhân thất nghiệp,… Nhưng nhờ tình yêu với sợi tơ, với con tằm mà vẫn có những nghệ nhân lặng thầm trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa duy trì cơ sở sản xuất “sống chết”, thủy chung với nghề. Có lẽ nhờ vậy, nghề tơ lụa Bảo Lộc sau thời gian dài “leo lắt” đã đến ngày “hồi sinh” trở thành “thủ phủ lụa tơ tằm Việt Nam”.

Tơ lụa Bảo Lộc có từ những năm 60 thế kỷ trước, Nhật đã viện trợ 10 triệu USD để thực hiện dự án trồng dâu nuôi tằm để bồi thường cho chiến tranh (Colombo Plan). Theo đó, các chuyên gia Nhật đã khảo sát thổ nhưỡng, thời tiết, trồng thực địa các giống dâu, tằm tại nhiều nơi.Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, người Nhật đã đặt những viên gạch đầu tiên cho “thủ phủ tơ tằm” mới, với việc thành lập Trung tâm tằm tang Bảo Lộc vào năm 1968.

Với khí hậu mát quanh năm, điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) có điều kiện tự nhiên quanh năm thích hợp với nghề trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa. Nơi đây được quy hoạch phát triển là thủ đô của tơ lụa Việt Nam từ năm 1995. Sau nhiều năm“thăng trầm”, đến nay, bằng những nỗ lực không ngừng, thành phố Bảo Lộc đang dần khẳng định vị trí “thủ phủ” tơ lụa Việt Nam của mình, là nơi ươm tơ mở lối cho tơ lụa Việt.

Tự hào với nhiều làng nghề dệt lụa trải dài khắp lãnh thổ, với chất lượng tơ lụa thượng hạng cùng sự góp sức của các thương hiệu thời trang trong và ngoài nước, Lụa tơ tằm Việt Nam ngày càng phát triển và có những công cuộc chuyển mình ngoạn mục vươn tầm ra khu vực và thị trường quốc tế.

 

 

 

 

 

Đánh Giá