Lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với truyền thống dệt lụa lâu đời, vùng nguyên liệu mênh mông, lượng tơ tằm chất lượng cao hiếm có.
Hàng ngàn năm qua, tơ lụa là sản phẩm thủ công đã gắn liền với lịch sử phát triển của người Việt Từ thuở Mỵ Nương Thiều Hoa – con gái vua Hùng đời thứ 6 dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, trải qua năm tháng thăng trầm, có lúc thịnh, có lúc suy nhưng tơ lụa Việt Nam chưa bao giờ mất đi giá trị của tơ lụa tốt nhất Đông Nam Á.
Lụa Việt Nam – Lụa tốt nhất Đông Nam Á
Lụa Việt Nam là lụa tơ tằm tự nhiên với chất liệu dịu nhẹ, mịn màng, quý phái, bắt sáng óng ả, thấm hút mồ hôi, mặc mùa hè thì thoáng mát, mặc vào mùa đông thì ấm, lại bền màu theo thời gian, có bề mặt khô thoáng và không bị rạn đường may, dẫu có nếp gấp thì chỉ cần treo thẳng lên sẽ suôn phẳng trở lại.
Trong thời phong kiến, lụa Việt Nam được liệt vào hàng cống phẩm, chuyên dùng cho vua quan, quý tộc, là thượng phẩm xây dựng mối quan hệ bang giao với các nước láng giềng. Đặc biệt là ở thời Lý-Trần, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, được các đời vua chú trọng phát triển. Tơ lụa Việt Nam đã khiến các sứ thần Trung Quốc phải kinh ngạc về chất lượng và độ tinh xảo. Sản xuất lụa được nâng lên thành giá trị tự cường của dân tộc, không cần phụ thuộc vào nguồn lụa phương Bắc, và là ngành kinh tế quan trọng của quốc gia.
Những phát hiện khảo cổ học từ thế kỷ XV đã cho thấy Việt Nam là một mắt xích trong con đường tơ lụa trên biển, với Hội An là thương cảng quan trọng đưa lụa của xứ Đàng Trong đi Trung Hoa, Nhật Bản và các nước châu Âu. Năm 1618 khi Giáo sĩ Christoforo Borri đến Cửa Hàn đã viết rằng: “Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc hơn nhiều. Hằng năm, tàu thuyền của Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan… đã đến đây để mua tơ sống và các loại lụa, riêng các tàu thuyền của Trung Hoa thường chỉ mua tơ sống. Người Nhật đến Đàng Trong trước tiên là vì tơ lụa…”
Rồi chiến tranh đã tàn phá nương dâu, phá nát nong tằm, khung cửi, khiến Tơ lụa Việt rơi vào thời kỳ đen tối. Các nghệ nhân nặng lòng với nghề, luôn đau đáu với nong tằm, cái kén vẫn hết mình giữ nghề lay lắt qua bao tháng năm.
Để tới ngày hôm nay, những thế hệ đi sau vẫn rút ruột với nghề tổ truyền, kết hợp kinh nghiệm sản xuất truyền thống với công nghệ tiên tiến, đã tạo ra những sản phẩm tơ lụa Việt Nam có phẩm cấp vượt trội so với các nước trong khu vực. Việt Nam đang nằm trong nhóm 6 nước sản xuất tơ lụa lớn nhất thế giới, với vị trí đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
Tổng thư kí hiệp hội Tơ lụa Thế giới, ông Fei Jianming đã khẳng định “Trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan…”
Nhà thiết kế Minh Hạnh cũng từng chia sẻ: “Mới đây, khi mang bộ sưu tập của mình sang giới thiệu tại Thụy Sĩ với chất liệu chính là thổ cẩm và lụa Việt Nam, tôi nhận được những phản hồi rất khả quan. Nhiều người Thụy Sĩ đã so sánh lụa truyền thống của Việt Nam ngang tầm với chất liệu lụa của những thương hiệu thời trang bậc nhất thế giới”.
Những dữ liệu lịch sử, những số liệu thực tế, và lời khẳng định của những người có đẳng cấp chuyên môn cao đều đã chứng minh lụa Việt Nam với bản sắc riêng đã vượt xa ngoài khu vực Đông Nam Á.
Vậy mà, thương hiệu lụa Việt hiện nay vẫn rất nhạt nhòa trên bản đồ thế giới, vẫn đang là cái bóng lặng thầm phía sau các thương hiệu lớn khác. Đó không chỉ là nỗi niềm trăn trở của những người làm ra lụa Việt, mà của cả những người yêu những giá trị truyền thống và có lòng tự tôn dân tộc.
Khoảng chục năm trở lại đây, Bảo Lộc – Thủ phủ tơ lụa Việt Nam đã “hồi sinh” và đang phát triển mạnh mẽ, cùng khát vọng vực dậy tơ lụa thuần Việt ở trong nước, và vinh danh lụa Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta hãy cùng đón chờ ngày các mặt hàng tơ lụa Việt Nam sẽ trở thành những cái tên quen thuộc và đầu tiên trong tâm trí người ưa chuộng lụa khắp năm châu.