Quy trình sản xuất lụa tơ tằm Việt Nam

Lụa tơ tằm Việt Nam óng ả, mềm mại và sang trọng. Nhưng để có được những thước lụa đó là cả một quy trình với hàng chục công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác tuyệt đối, dẫu ngày nay có sự hỗ trợ của máy móc, vẫn gắn liền với bàn tay lao động thủ công cần mẫn, và kinh nghiệm truyền nối bao đời của những người thợ làm nghề.

Quy trình sản xuất lụa tơ tằm Việt Nam

Quy trình sản xuất lụa tơ tằm bao gồm các công đoạn chính: Trồng dâu, nuôi tằm, đóng kén, ươm tơ, se sợi dệt lụa, nhuộm màu.
Trồng dâu
“Mồ hôi mà đổ xuống vườn
Dâu xanh lúa tốt vấn vương tơ tằm”
trồng dâu
Lụa tơ tằm Việt Nam là sản phẩm từ giống tằm ăn lá dâu, nên trồng dâu chính là khâu đầu tiên trong nghề tơ lụa. Tằm chỉ khỏe và đạt năng suất, cho chất lượng tơ tốt khi được ăn lá dâu sạch. Dâu già, nhiều nước, nhiều đạm, non so với tuổi…. đều có thể khiến tằm phát dục không đều, dễ nhiễm bệnh, kén mỏng…
Nên người trồng cây phải chọn đất trồng phù hợp với giống cây, chất đất màu mỡ, đảm bảo thoát nước tốt, không ô nhiễm, tránh xa khu vực có các nhà máy, hóa chất. Dâu cần được trồng riêng, không xen kẽ với lúa, rau màu, thuốc lá, ớt… hay cây trồng khác; trồng với mật độ thích hợp, được chăm bón cân đối, chống nấm và sâu bệnh theo cách thuận tự nhiên, và hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ sâu.
Nuôi tằm
“Tằm em ăn rỗi hôm nay
Hái dâu em bận suốt ngày hôm qua”
nuôi tằm
Nuôi tằm là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất tơ lụa. Sản phẩm đầu ra của quy trình nuôi tằm vừa là nguồn giống trực tiếp cho người nông dân, vừa là nguyên liệu đầu vào của nghề ươm tơ, dệt lụa.
Tằm vốn mẫn cảm với điều kiện môi trường, nên nơi nuôi tằm phải thoáng mát, yên tĩnh, không có mùi khó chịu, có mành che chống ruồi nhặng, được khử trùng tiêu độc, lại cần điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, và ánh sáng hợp lý, dụng cụ nuôi tằm cũng phải vệ sinh sạch sẽ.
Vòng đời trung bình của một con tằm từ khi nở đến lúc nhả tơ vào khoảng 23 – 25 ngày, và trải qua 4 lần lột xác. Mỗi lần lột xác, tằm được tính thêm 1 tuổi. Tằm ăn rả rích suốt ngày đêm, khoảng 6-16 bữa tùy theo độ trưởng thành. Tuy nhiên vào thời điểm trước khi lột xác khoảng 2 ngày của mỗi giai đoạn tằm ngừng ăn (hay còn gọi là tằm ngủ).
Lá dâu cho tằm ăn phải hái vào lúc trời mát, không được hái khi có mưa có, sương ướt. Lá úa vàng, bẩn, ướt, nhiễm bệnh, dập nát đều không dùng được. Lá phải được hái đúng theo độ tuổi của tằm: Tằm con tuổi 1 đến 3 ăn lá dâu non nhiều đạm, mềm mại, ít xơ, thái nhỏ như sợi thuốc lào; tằm tuổi 4 ăn lá dâu bánh tẻ, màu xanh đậm; tằm tuổi 5 cần lá dâu già hơn, nhiều xơ hơn.
Người nuôi tằm liên tục “ăn cơm đứng” chính vào lúc tằm ở tuổi 5 – tuổi tằm ăn nhanh và khỏe nhất. Vào lúc này, trong nhà nuôi tằm lúc nào cũng nghe tiếng rì rào của hàng trăm răng tằm đang nghiến vào lá dâu.
Cùng với việc đảm bảo đủ lá dâu cho tằm “ăn rỗi”, người nuôi tằm cũng thường xuyên phải thay phân san tằm đảm bảo vệ sinh, lại cần phải để ý phun thuốc vào lá dâu cho tằm ăn để chống bệnh, rồi phòng trừ kiến, ruồi nhặng, thằn lằn…
Đóng kén
“Con tằm ăn lá dâu xanh
Nhả ra sợi trắng, mong manh sợi vàng”
đóng kén
Tằm tuổi 5 được ăn lá dâu đầy đủ, sau 6-8 ngày thì chín, ngừng ăn lá dâu, có xu hướng bò đi tìm nơi thích hợp để làm tổ. Tằm chín mình trơn, da mỏng, căng bóng, có màu hơi vàng. Khi ít nhất 1/3 cơ thể con tằm có màu trong suốt là thời điểm tằm đã sẵn sàng để đóng kén.
Người nuôi phải chuẩn bị né sạch, đến khi tằm chín vàng, thì nhanh tay bắt tằm lên né, tránh tằm đóng kén dính vào nhau. Rồi đem né đi “hong nắng” và “sưng sấy” sao cho kén khô, thơm, để khi ươm tơ kén không bị tan, cho ra sợi tơ óng ả.
Tằm nhả tơ từ ngoài vào trong, đầu tiên là vài vòng tơ thô bao bọc bên ngoài để định hình tổ kén. Đều đặn trong vòng bốn ngày liên tiếp, con tằm xoay cơ thể theo chuyển động hình số 8 khoảng 300 ngàn lần liên tục, nhả thành sợi tơ dài 800-1000m, quấn quanh mình tạo thành kén, rồi hóa nhộng.
Lúc này người nuôi tằm gỡ kén, lựa chọn riêng một số kén to để làm giống cho lứa sau; loại bỏ kén bẩn, mỏng, thối, thủng đầu; chuyển kén đạt chuẩn đi ươm tơ.
Ươm tơ
“Con tằm vương khắp đó đây
Cõng từng giọt nắng đổ đầy nong tơ”
ươm tơ
                                                                   
Ươm tơ chính là việc kéo sợi tơ từ kén thành sợi tơ tằm. Toàn bộ kén đã đóng phải ươm hết trong khoảng 5 ngày, vì nếu chậm thì tằm sẽ biến thành con ngài cắn kén chui ra. Như vậy sợi tơ sẽ bị đứt, không ươm được thành tơ dệt lụa nữa, chỉ có thể kéo thành sợi đũi thô hơn, cũng mất công nhiều hơn.
Để ươm tơ thì đầu tiên cần thả kén vào nước sôi và đảo đều để kén mềm và bong áo kén ra ngoài, thì mới tìm được mối tơ gốc để rút sợi tơ. Người ươm kéo rút khoảng 10 sợi tơ từ 10 cái kén, chập lại thành 1 sợi tơ, quấn sợi tơ ấy vào con suốt chuyên dụng. Tiếp đó, tơ được chạy vào guồng tròn, cuộn thành các vò tơ sống, rồi mang ra phơi nắng.
Dệt lụa
 “Bóng chiếc thoi đưa ánh mắt long lanh
Gửi những yêu thương tay em dệt lụa”
dệt lụa
Kiểu dệt cổ truyền của Việt Nam là phối hợp, pha trộn các loại sợi dọc và ngang, và người thợ khi dệt phải dùng tay đưa, chân dận cùng lúc, như thi sĩ Hồ Xuân Hương đã tả:
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc
Một suốt đâm ngang thích thích mau
Tơ nõn đã ươm xong sẽ được se với nhau theo cách xoắn và số lượng sợi không giống nhau, cho ra các loại tơ tằm với tên gọi và chất lượng khác nhau. Những loại tơ này kết hợp với các kiểu dệt từ đôi bàn tay tinh tế và sự sáng tạo không ngừng của người dân Việt Nam, đã tạo ra các loại vải lụa đa dạng về chất lượng và đặc tính:
“Làm ra đủ các thứ hàng
Hàng đơn, hàng kép dọc ngang tinh tường
Lượt, là, lĩnh, lụa, xuyến, lương
Đoạn, vân, gấm, vóc, sa, băng, kỳ cầu.”
Nhuộm màu cho vải lụa
nhuộm màu
Lụa dệt xong chỉ có màu trắng ngà hay vàng mỡ gà của tơ tằm, được gọi là lụa mộc. Lụa mộc khá thô, cứng nên trước khi nhuộm cần ngâm trong nước nóng để làm sạch hết lớp keo bám trên lụa, công đoạn này gọi là chuội tơ.
Theo cách thức thủ công truyền thống, lụa đã chuội xong được ngâm trong trong dung dịch nhuộm làm từ các nguyên liệu tự nhiên (như củ nâu, hạt rành rành, than, cánh kiến, mặc nưa…) từ 2-3 ngày. Rồi đem xả, nhuộm màu, phơi khô, nhuộm lại lần thứ hai, thứ ba… để ra đúng màu sắc như ý muốn. Để vải lụa trở nên đẹp và bắt mắt hơn, lụa mộc được xử lý màu theo các bí quyết riêng của mỗi người thợ nhuộm để tạo lụa đơn sắc, đa sắc hoặc có hoa văn đẹp mắt.
Công nghệ và màu nhuộm hiện đại ngày nay có thể rút ngắn thời gian và công đoạn nhuộm màu cho lụa, cho ra những họa tiết, sắc màu lạ, rực rỡ và phong phú hơn. Tuy nhiên, kĩ thuật nhuộm màu thủ công vẫn được đánh giá cao bởi tính mộc mạc, an toàn của nguyên liệu và đặc biệt là giá trị truyền thống không gì có thể thay thế được.
Kể ra quy trình sản xuất lụa tơ tằm, mới biết “nghề chơi cũng lắm công phu”. Vẻ đẹp óng ả, mượt mà, sang quý của mỗi tấm lụa tơ tằm Việt Nam chính là kết tinh cả đời “rút ruột nhả tơ” của những chú tằm và biết bao tâm huyết, công sức, thời gian, nỗi nhọc nhằn của những người làm nghề. Thật đáng trân quý biết bao nhiêu!
Đánh Giá